Triều Tiên Tham Chiến Tại Ukraine

Triều Tiên Tham Chiến Tại Ukraine

Binh sĩ Triều Tiên tham gia huấn luyện tại một địa điểm ở Triều Tiên, trong ảnh được truyền thông nước này đăng ngày 16-3 năm nay - Ảnh: REUTERS/KCNA

Nhiều người Triều Tiên đào tẩu muốn sang Ukraine để tác động tâm lí đồng hương

Nguồn hình ảnh, EPA-EFE/REX/Shutterstock

Một nhóm người đào tẩu Triều Tiên sinh sống tại Hàn Quốc đang vận động để thực hiện một sứ mệnh táo bạo chưa từng có: đi đến chiến trường ở Ukraine và giúp những người lính Triều Tiên đang chiến đấu ở đó đào ngũ.

Họ lập luận rằng sự hiểu biết sâu sắc của họ về tâm lý binh lính và cơ cấu của quân đội Triều Tiên có thể giúp họ có khả năng thuyết phục được các binh sĩ đào ngũ, những người mà họ tin rằng đã bị nhồi sọ để coi cái chết của mình là "vinh quang".

Việc Triều Tiên được cho là điều động khoảng 10.000 binh lính đến Nga để đánh nhau với quân đội Ukraine đã khiến những người đào tẩu ở Hàn Quốc lo ngại.

Nhiều người coi đây là động thái nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho đất nước và hiện đại hóa công nghệ quân sự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Dù lính Triều Tiên từng được triển khai trong Chiến tranh Việt Nam vào những năm 1970, nhưng sự tham gia của họ trong cuộc chiến ở Ukraine đánh dấu lần đầu tiên quân đội Bình Nhưỡng tham gia vào chiến tranh hiện đại.

Về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên - kéo dài từ năm 1950 đến năm 1953 - với sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên và Mỹ cho Hàn Quốc, và quan hệ giữa hai miền vẫn căng thẳng.

Ước tính có khoảng 34.000 người Triều Tiên đã đào tẩu xuống miền Nam kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt hơn 70 năm trước.

Hai tổ chức dân sự do những người đào tẩu Triều Tiên đứng đầu - Hiệp hội Binh sĩ Cơ đốc giáo Triều Tiên và Quân đội Đào tẩu Bắc Triều Tiên - đã đưa ra tuyên bố chung lên án "hành vi vô nhân đạo" của chính quyền Kim Jong-un và yêu cầu cho phép những người đào tẩu được phép đến Ukraine.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi vô nhân đạo của chế độ Kim Jong-un, đưa những người con của dân tộc làm bia đỡ đạn để thu về nguồn tài chính và hiện đại hóa vũ khí chiến tranh,” hai tổ chức này nói.

Sim Ju-il, một cựu sĩ quan và hiện là lãnh đạo Hiệp hội Binh sĩ Cơ Đốc giáo Triều Tiên, tin rằng sứ mệnh này đang rất cấp bách.

"[Những người lính Triều Tiên được điều động] có thể chiến đấu với ảo tưởng được truyền thụ từ nền giáo dục Triều Tiên, tin rằng 'Cái chết của tôi là vinh quang'. Chúng ta phải khiến họ nhận ra [rằng đó không phải là sự thật]," ông nói.

"Nếu tôi ra tiền tuyến, có lẽ tôi sẽ phải đối mặt với súng đạn cùng với những người lính Triều Tiên. Nhưng trọng tâm của tôi sẽ là giúp họ nhận thức về thực tế của chiến tranh," ông nói thêm.

Những người đào tẩu đề xuất nhiều phương pháp khác nhau để tiếp cận quân đội Triều Tiên được triển khai đến Nga, như sử dụng chiến tranh tâm lý thông qua việc thả truyền đơn bằng thiết bị bay không người lái, phát thanh qua loa phóng thanh và các chiến dịch trên mạng xã hội.

"Chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái để phát truyền đơn và các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube. Nếu chúng tôi có thể đến gần tiền tuyến, chúng tôi có thể sử dụng loa phóng thanh để tiến hành chiến tranh tâm lý," Tiến sĩ Ahn Chan-il, giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên Thế giới và lãnh đạo Quân đội Đào tẩu Triều Tiên, cho biết.

Tiến sĩ Ahn, người từng phục vụ trong một trung đoàn dân phòng ở Triều Tiên, đặc biệt lo ngại về khả năng lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên có liên quan, bao gồm cả Quân đoàn Bão táp khét tiếng - một đơn vị được huấn luyện để xâm nhập, phá hoại cơ sở hạ tầng và ám sát - trong cuộc chiến ở Ukraine.

"Nếu hai hoặc ba sư đoàn của quân đội Triều Tiên được đưa [đến Nga], chúng tôi chắc chắn sẽ phải hành động. Đó là lý do cho tuyên bố này," ông nói.

Các báo cáo cho thấy một số người đào tẩu gần đây đã thành lập một tổ chức nhằm mục đích kích động những người lính Triều Tiên được triển khai đến Ukraine đào ngũ. Chiến thuật của họ bao gồm việc phát truyền đơn và đoạn ghi âm cho lực lượng Ukraine để hướng dẫn cách thoát khỏi tiền tuyến.

Các kế hoạch này đang vướng phải những trở ngại thực tế và ngoại giao. Bộ ngoại giao Hàn Quốc đã áp lệnh cấm đi đến Ukraine, người vi phạm có thể bị phạt tới một năm tù hoặc phạt tiền lên tới 7.000 USD.

Ngoài ra, còn có lo ngại rằng việc đưa những người đào tẩu sang Ukraine có thể khiêu khích Bình Nhưỡng và Moscow, từ đó làm mất ổn định an ninh khu vực.

"Tuyên bố rằng: 'Chúng tôi sẽ đi và chiến đấu' là điều tốt, nhưng thực tế việc điều động quân đội là vấn đề tế nhị về mặt quan hệ đối ngoại," Lee Min-bok, người đứng đầu Nhóm khinh khí cầu Triều Tiên, một nhóm người đào tẩu khác từ Triều Tiên, cho biết.

Một số người khác đặt câu hỏi về khả năng thuyết phục các binh sĩ Bắc Triều Tiên đào tẩu.

Lee Woong-gil, cựu thành viên của Quân đoàn Bão táp tinh nhuệ Triều Tiên, cảnh báo rằng những nỗ lực thuyết phục họ có thể phản tác dụng: "Nếu bạn cố gắng thuyết phục họ đào tẩu, họ sẽ bắn bạn ngay lập tức," ông Lee nói.

Ông này cũng lưu ý rằng một số người đào tẩu, đã sống ở Hàn Quốc nhiều năm, thiếu kiến thức cập nhật về động thái nội bộ của quân đội Triều Tiên.

Ông Sim từ Hiệp hội Binh lính Cơ đốc giáo Triều Tiên thừa nhận thách thức trong việc thuyết phục các binh lính khi tính kỷ luật và lòng trung thành đã ăn sâu vào quân đội Triều Tiên.

"Kim Jong-un muốn mọi người nói rằng: 'Quân đội Triều Tiên không phải là trò đùa' khi các đơn vị của ông ta đi [ra chiến trường] và chiến đấu tốt.”

"Có phải việc điều động quân đội Triều Tiên [chỉ] được lên kế hoạch trước một hoặc hai ngày không? Họ hẳn đã lên kế hoạch với Nga và được huấn luyện phù hợp," ông Sim nói.

"[Lính Triều Tiên] là những người quyết tâm và sẵn sàng chiến đấu dũng cảm và hy sinh vì lãnh đạo và đảng. Không phải là việc chỉ tập hợp những người không có tiền hoặc thức ăn rồi điều họ đi."

Đối với Tiến sĩ Doo Jin-ho của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, phương án phát thanh trực tiếp qua loa phóng thanh cũng rất rủi ro. "Ngay khi họ bật loa phóng thanh chống Triều Tiên, máy bay không người lái sẽ tấn công," ông cảnh báo.

Cựu thành viên Lực lượng Bão táp Lee Woong-gil đề xuất các phương pháp giao tiếp ít trực tiếp hơn.

Ông tin rằng các thông điệp video hoặc bản ghi âm có thể hiệu quả hơn so với tiếp xúc trực tiếp:

"Sẽ hữu ích hơn nhiều nếu gửi các video ngắn về những người đào tẩu Triều Tiên đã đến đây [Hàn Quốc] và đang sống hạnh phúc như thế này."

Vì binh lính Triều Tiên có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các đoạn băng như vậy, ông Lee đề xuất gửi máy nghe nhạc MP3 hoặc điện thoại di động cũ có chứa các tệp này.

Nguồn hình ảnh, Chung Sung-Jun/Getty Images

Bất chấp những rủi ro và sự hoài nghi, những người đào tẩu vẫn kiên định với sứ mệnh của mình.

"Chúng tôi [những người đào tẩu] làm những gì chúng tôi tin là đúng. Thật ý nghĩa biết bao khi dành những ngày cuối đời để đóng góp theo cách này," ông Sim nói.

Trong khi kế hoạch của những người đào tẩu Triều Tiên vẫn đang được thảo luận, chính phủ Ukraine đã hành động.

Họ đã phát hành một video tuyên truyền nhằm vào những người lính Triều Tiên có nhan đề là “Một lời nhắn gửi đến những người lính của Quân đội Nhân dân Triều Tiên" trên các nền tảng như YouTube và Telegram.

Các Bộ Ngoại giao và Thống nhất của Hàn Quốc đã tuyên bố rằng họ "không có lập trường" về ý định của những người đào tẩu Triều Tiên muốn đến Ukraine.

Heorhii Tykhyi, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Ukraine, nói với BBC rằng những người đào tẩu Triều Tiên được "hoan nghênh" và khuyến khích tham gia "quân đoàn quốc tế của chúng tôi".

"Chúng tôi rất vui khi có họ tại Ukraine và hợp tác với họ. Kiến thức của họ về lực lượng Triều Tiên, ngôn ngữ và sự hiểu biết của họ về bản chất của quân đội Bình Nhưỡng có thể vô cùng có giá trị đối với chúng tôi," ông nói.

Ông cũng tuyên bố: "Việc [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đưa quân đội Triều Tiên vào cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là một mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng, đòi hỏi một phản ứng từ toàn cầu."

Do không có hiệp định hòa bình nên về mặt kỹ thuật Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh và có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến

Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến đầu tiên mà Liên Hiệp Quốc (LHQ), một tổ chức quốc tế, đã đóng vai trò quân sự. Tổ chức này mới được thành lập 5 năm về trước.

Chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25/6/1950 khi quân đội Bắc Triều Tiên theo chế độ Cộng Sản, đã tràn qua biên giới, xâm lăng Nam Triều Tiên. LHQ đã gọi cuộc xâm lăng này là một vi phạm vào nền hòa bình thế giới và đã đòi hỏi quân đội Cộng Sản phải rút ra khỏi Nam Triều Tiên. Nhưng sau khi quân đội Cộng Sản Bắc Triều Tiên tiếp tục tấn công, Hoa Kỳ phải kêu gọi các quốc gia hội viên LHQ giúp đỡ quân sự cho Nam Triều Tiên. 16 quốc gia đã gửi quân tham chiến tới đây và 41 nước khác cũng đã chuyển tới các dụng cụ, thực phẩm và các tiếp liệu khác, trong khi đó Hoa Kỳ cung cấp 90 phần trăm binh lính, dụng cụ quân sự và các tiếp tế khác cho Nam Triều Tiên. Phía Cộng Sản, ngoài Bắc Triều Tiên còn có Trung Cộng, trong khi Liên Xô trợ giúp Bắc Triều Tiên bằng các dụng cụ quân sự.

1. Các nguyên nhân của cuộc chiến

Vào năm 1895, Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên và từ năm 1910 đã biến miền đất này thành một phần đất bảo hộ của Nhật Bản. Sau khi lực lượng Đồng Minh đánh thắng Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai (1939-45), các lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Liên Xô đã tiến vào bán đảo Triều Tiên và quân đội Nhật Bản đã đầu hàng, mạn bắc trước quân đội Liên Xô còn phía nam trước quân đội Hoa Kỳ. Hai cường quốc Liên Xô và Hoa Kỳ đã thiết lập trên bán đảo này hai chế độ chính trị tương phản nhau, miền bắc theo Cộng Sản còn miền nam theo nền dân chủ. Đất nước Triều Tiên từ này bị chia đôi, dọc theo biên giới tạm thời gần vĩ tuyến 38.

Vào năm 1947, Đại Hội Đồng LHQ tuyên bố rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trên khắp đất nước Triều Tiên để chọn ra một chính quyền cho cả nước. Liên Xô đã phản đối đề nghị này và không cho phép bầu cử tại miền bắc. Vào ngày 10/5/1948, dân chúng Nam Triều Tiên đã bầu ra một quốc hội rồi từ đây có chính phủ của nước Cộng Hòa Triều Tiên (the Republic of Korea), với Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) làm Tổng Thống và nền cai trị dân chủ này bị tham nhũng và không hữu hiệu. Tới ngày 9/9, các người Cộng Sản tại miền bắc Triều Tiên cũng lập nên nước Dân Chủ Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (the Democratic People’s Republic of Korea) bị cai trị dưới sự độc tài của Kim Nhật Thành (Kim Il Sung). Cả hai miền này đều coi là mình hợp pháp trên toàn lãnh thổ và quân đội của hai phía đã từng nhiều lần đụng độ với nhau dọc theo miền biên giới trong thời gian từ 1948 tới 1950. Trong năm 1949, Hoa Kỳ đã di chuyển quân lực khỏi Nam Triều Tiên và cho biết rằng từ đầu năm 1950, Triều Tiên nằm bên ngoài ảnh hưởng của lực lượng phòng thủ của Hoa Kỳ tại châu Á. Vì thế các người Cộng Sản tin rằng đây là lúc phải hành động quân sự.

Khi xâm lăng Nam Triều Tiên, quân đội Miền Bắc có vào khoảng 135,000 lính. Nhiều binh lính này đã từng chiến đấu cho Trung Hoa và Liên Xô trong thời Thế Chiến Thứ Hai. Bắc Triều Tiên cũng có máy bay, súng đại bác và xe bọc thép. Quân lực Nam Triều Tiên khi đó vào khoảng 95,000 người, với một số máy bay và súng hạng nặng nhưng thiếu xe thiết giáp vì vậy vào thời gian đầu, quân lực Nam Triều Tiên không chống nổi sức tấn công của quân địch.

Khi cuộc chiến lên tới cao độ mạnh nhất, quân Bắc Triều Tiên lên tới 260,000 lính và Trung Cộng phái qua giúp 780,000 lính trong khi đó, Nam Triều Tiên và các lực lượng LHQ gồm 1,110,000 binh sĩ, với 590,000 thuộc Nam Triều Tiên, 480,000 của Hoa Kỳ, và 39,000 binh lính từ các nước Úc, Bỉ, Canada, Colombia, Ethiopia, Pháp, Anh, Hy Lạp, Luxembourg, Hòa Lan, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Nam Phi, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào ngày chiến tranh bùng nổ, Hội Đồng Bảo An LHQ đã ra một nghị quyết đòi hỏi các toán quân Cộng Sản phải ngưng chiến và rút về vĩ tuyến 38. Khi đó Liên Xô là một trong 11 quốc gia thành viên của Hội Đồng Bản An, đã có thể phủ quyết nghị quyết kể trên, nhưng Liên Xô đã tẩy chay các buổi họp của Hội Đồng Bảo An vì phản đối thành viên Trung Hoa Quốc Gia trong Hội Đồng này và các đại biểu của Liên Xô đã vắng mặt khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Bắc Triều Tiên đã không quan tâm đến đòi hỏi của Liên Hiệp Quốc, vẫn tiến quân và vào ngày 27/6, đã tiến gần ngoại ô của thủ đô Hán Thành (Seoul) của Nam Triều Tiên. Vào thời điểm này, chính quyền Hoa Kỳ sẵn sàng đối phó với tình thế vì sau đó 24 giờ, Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman xác nhận lại chủ thuyết ngăn chặn làn sóng Cộng Sản của ông, áp dụng tại cả châu Á lẫn châu Âu, đã đòi hỏi quân Cộng Sản phải ngưng tiến quân.

Tổng Thống Truman đã ra lệnh cho Hạm Đội thứ 7 đi tuần trong vùng biển ngăn cách lục địa Trung Hoa và hòn đảo Đài Loan, tăng thêm viện trợ cho binh lực Pháp chống lại lực lượng Việt Minh tại Đông Dương, ra lệnh cho Tướng Douglas MacArthur gửi các tiếp liệu cho miền nam Triều Tiên và gửi đi một nghị quyết phản đối tới Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Khi Không Quân và Hải Quân Mỹ tới bán đảo Triều Tiên, lực lượng Bộ Binh Hoa Kỳ bắt đầu hành động từ ngày 30 tháng 6 và các máy bay Hoa Kỳ đã oanh tạc để làm chậm lại đà tiến của các đạo quân cộng sản. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên giúp đỡ xứ Nam Triều Tiên. Quốc Hội Hoa Kỳ cũng yểm trợ các hành động của Tổng Thống Truman và các chính sách của LHQ nhưng không chính thức tuyên chiến với Bắc Triều Tiên.

Vào ngày 1 tháng 7, một phần của Sư Đoàn 24 Bộ Binh Hoa Kỳ được không vận tới Pusan là thành phố tại mỏm phía nam của Triều Tiên. Ngày hôm sau, các toán quân bắt đầu di chuyển tới các vị trí chiến đấu gần Taejon, vào khoảng 121 cây số (75 dặm) phía nam của Hán Thành, còn các đạo quân của các quốc gia thành viên LHQ khác tới Nam Triều Tiên sau đó. Vào ngày 5/7, do quân Cộng Sản đã chiếm xong Hán Thành, các toán quân Mỹ đầu tiên đụng trận với quân Bắc Triều Tiên tại Osan, 48 cây số (30 dặm) phía nam của Hán Thành.

Qua ngày 8 tháng 7, với sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An LHQ, Tổng Thống Hoa Kỳ Truman đã bổ nhiệm Tướng Douglas MacArthur làm Tổng Tư Lệnh của Lực Lượng Quân Sự LHQ gồm các lực lượng quân sự của Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và các đoàn quân từ các nước khác. Tướng MacArthur đã chỉ huy mọi cuộc hành quân từ tổng hành dinh của ông tại Tokyo, Nhật Bản. Ngày 13/7, Trung Tướng Walton H. Walker, chỉ huy trưởng của Lộ Quân thứ 8 của Hoa Kỳ, trở nên tư lệnh chiến trường của các lực Đồng Minh trên bộ tại Triều Tiên.

Các đơn vị của Quân Đoàn 1 Kỵ Binh và Sư Đoàn 25 Bộ Binh đã đổ bộ lên đất Triều Tiên vào ngày 19/7 để trợ giúp các binh lính của Sư Đoàn 24 đang bị áp đảo nhưng rồi thành phố Taejon rơi vào tay quân cộng sản vào ngày 21/7.

Trung Đoàn Thủy Quân Lục Chiến thứ nhất và Sư Đoàn Bộ Binh thứ hai của Lục Quân Hoa Kỳ tới Nam Triều Tiên trễ vào cuối tháng 7 rồi các lực lượng Đồng Minh bị đẩy lui về Vòng Đai Pusan vào ngày 2 tháng 8. Vòng đai này là chiến tuyến ở góc đông nam của Nam Triều Tiên, được kéo dài từ thành phố Pohang nằm trên bờ biển đông nam, phía tây tới Taegu và phía nam và đông nam tới Pusan. Con sông Naktong là biên giới của vùng chiến địa này.

Các trận đánh nhau tại Vòng Đai Pusan đã là một khúc quanh của cuộc chiến. Phe Bắc Triều Tiên thiệt hại vào khoảng 58,000 quân và rất nhiều quân dụng khi tiến tới vùng này. Việc tăng nhanh lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã giúp cho Tướng Walker cách dùng quân uyển chuyển. Quân Bắc Triều Tiên đã cố gắng chọc thủng vòng đai trong khi Tướng Walker đã dùng các lực lượng trừ bị duy trì tuyến phòng thủ chính. Trên không, các máy bay Mỹ đã oanh tạc các đường tiếp tế của địch quân. Các chiến xa và đại bác Hoa Kỳ tới Pusan càng nhiều, khiến cho việc phòng thủ Pusan được củng cố.

Quân Bắc Triều Tiên thấy lực lượng Đồng Minh đạt được ưu thế quân lực, nên đã mở cuộc tấn công chính, vượt qua được con sông Naktong vào ngày 6/8 nhưng lực lượng Mỹ đã phản công và tránh cho phòng tuyến không bị chọc thủng khi quân Bắc Triều Tiên tới gần thành phố Taegu và rồi các tổn thất nặng nề khiến cho đạo quân Cộng Sản miền Bắc này phải rút ra vào ngày 25/8. Quân Cộng Sản còn tấn công Vòng Đai Pusan một lần nữa vào ngày 3 tháng 9, chiếm được Pohang 3 ngày sau rồi lực lượng Đồng Minh ngăn chặn được họ vào ngày 8/9.

Cuộc đổ bộ Inchon là một chiến thuật làm thay đổi cục diện của chiến trường. Vào giữa tháng 9 năm 1950, binh lính Hoa Kỳ thuộc Quân Đoàn 10 (the 10th Corps) có Thủy Quân Lục Chiến cùng đi, được chuyển vận từ Nhật Bản, đã đổ bộ lên Inchon, một địa điểm trên bờ biển tây bắc của Nam Triều Tiên. Tướng MacArthur đã chỉ huy cuộc hành quân này. Chiến thuật này đòi hỏi phải trù liệu rất tỉ mỉ bởi vì mực nước biển tại Inchon thay đổi hơn 9 mét, khi mực nước thủy triều lên cao, một con tầu đổ bộ sẽ lên tới gần bờ nhưng khi mực nước thủy triều xuống, con tầu sẽ mắc cạn trên lớp bùn dầy. Đoàn quân đổ bộ từ Inchon này đã cắt ngang đội quân Cộng Sản tại miền Bắc và đang vây hãm miền Pusan, khiến cho quân Cộng Sản hoàn toàn rối loạn, phải tìm cách sớm rút lui về miền bắc bởi vì đường tiếp tế đã bị cắt đứt. Cuộc đổ bộ Inchon là một trong các cuộc hành quân táo bạo và thành công nhất trong lịch sử chiến tranh, đã xác nhận “thiên tài quân sự” của Tướng MacArthur, vị tướng 5 sao và 71 tuổi.

Sau đó, Thiếu Tướng Edward M. Almond thuộc Quân Đoàn 10 đã điều động quân tiến về thủ đô Hán Thành (Seoul). Sau một trận đánh ác liệt, Tướng MacArthur công bố Hán Thành đã được chiếm lại vào ngày 26/9. Đồng thời, các đạo quân của Tướng Walter đánh ra ngoài vòng đai Pusan, gây nên các tổn thất rất nặng nề cho quân địch. Vào ngày 28/9, hai đạo quân Đồng Minh đã tiếp xúc được với nhau gần Hán Thành. Tướng MacArthur đã thông báo cho Bắc Triều Tiên phải đầu hàng, nhưng phía quân địch bác bỏ đề nghị.

5. Quân Đồng Minh tiến lên mạn Bắc

Vào cuối tháng 9/1950, quân Đồng Minh chuẩn bị tiến vào Bắc Triều Tiên. Đạo quân Nam Triều Tiên băng qua biên giới trước vào ngày 01 tháng 10 và đã chiếm được các thành phố Wonsan, Hungnam và Hamhung. Lộ Quân thứ 8 của Hoa Kỳ (the Eight Army Troops) tiến qua Bắc Triều Tiên vào ngày 8/10, đã đẩy lui quân Cộng Sản về phía Bình Nhưỡng (Pyongyang) rồi chiếm đóng thủ đô miền bắc này vào ngày 19/10. Từ Bình Nhưỡng, Lộ Quân thứ 8 đã tiến về phía tây bắc, theo hướng sông Yalu (Áp Lục) là biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Hoa, trong khi một phần của Lộ Quân này đánh sang phía đông bắc.

Vào thời điểm này, cuộc Chiến Tranh Lạnh đã đi vào một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn. Cuộc tiến quân sang phần đất miền bắc của phe Cộng Sản có thể khiến cho Liên Xô trả đũa tại châu Âu. Ngày 12/9, Bộ Trưởng Ngoại Giao mới của Hoa Kỳ là ông Dean Acheson, đã đề nghị tăng cường khối Nato và tái võ trang Tây Đức. Qua tháng 12/1950, Tướng Dwight D. Eisenhower được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Tối Cao của lực lượng Đồng Minh Nato.

Ngày 10/10, Trung Cộng đã cảnh cáo rằng quân đội của họ sẽ tham dự vào cuộc xung đột nếu phe Đồng Minh còn tiếp tục tiến về biên giới, nhưng Tướng MacArthur muốn chấm dứt chiến tranh sớm trước khi mùa đông bắt đầu, nên đã ra lệnh tăng thêm áp lực. Vào cuối tháng 10, Tổng Thống Truman đã gặp Tướng MacArthur trên đảo Wake, nằm trong vùng Thái Bình Dương và vị tướng này đã làm cho Tổng Thống Truman tin rằng sẽ không có sự can thiệp trên quy mô rộng lớn của lực lượng Trung Cộng. Nhưng Trung Cộng đã cảnh cáo Hoa Kỳ, coi các vận chuyển của Hải Quân Mỹ trong eo biển Đài Loan và cách tiến quân gần biên giới Trung Hoa là các hành động chống lại Trung Cộng. Quân Mỹ và quân Trung Cộng đụng độ với nhau vào ngày 25/10 gần đập nước Changjin (Chosin) và tại Onjong, gần Pukchin. Trận chiến tiếp diễn cho tới khi quân Trung Cộng bỗng nhiên rút lui vào ngày 6/11, quân Mỹ cũng lui về để tổ chức lại vị thế.

Vào lúc này, Tướng MacArthur và các nguồn tin tình báo đã đánh giá thấp sức mạnh của quân đội Trung Cộng, khả năng chịu thiệt hại to lớn của đội quân này, khi các máy bay của lực lượng Đồng Minh bay dễ dàng trên dải đất Triều Tiên và các tầu chiến chạy dọc theo bờ biển mà không bị ngăn chặn, trong khi Tướng MacArthur tưởng rằng quân số của Hoa Kỳ nhiều hơn quân Cộng Sản và cho rằng không lực Hoa Kỳ có thể ngăn cản quân Trung Cộng băng qua biên giới. Đồng thời, các nhà lãnh đạo chính trị tại Washington cũng đồng ý với Tướng MacArthur là chiến tranh sẽ chấm dứt vào dịp Lễ Giáng Sinh 1950. Tướng MacArthur đã ra lệnh tiến thêm vào ngày 24/12.

Các hy vọng chấm dứt nhanh chóng chiến tranh đã sớm tiêu tan bởi vì Trung Cộng đã chuyển qua một lực lượng quân sự khổng lồ với hơn 300,000 quân chống lại lực lượng Đồng Minh vào ngày 26 và 27 tháng 11 năm 1950, khiến cho lực lượng Đồng Minh chịu thiệt hại lớn. Vào cuối tháng 11, sức mạnh của quân Cộng Sản đã phóng vào giữa hai đạo quân, Quân Đoàn 10 ở phía đông và Lộ quân thứ 8 ở phía tây.

Từ ngày 4/12, lực lượng Đồng Minh bắt đầu rút lui. Bốn ngày hôm sau, 20,000 quân Mỹ kể cả Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh, bị quân Trung Cộng bao vây, đã rút lui từ đập nước Changjin tới hải cảng Hungnam. Vào chiều 24, 105,000 binh lính Hoa Kỳ và Triều Tiên, 91,000 người tỵ nạn và 17,500 xe quân sự đã được di tản bằng đường biển từ Hungnam. Tại mặt trận phía tây, quân Cộng Sản tiến vào Nam Triều Tiên, chiếm Korangpo, cách Hán Thành 45 cây số (28 dặm). Trong cuộc rút lui này, Tướng Walker bị chết vì tai nạn xe, Trung Tướng Mathew B. Ridgway lên làm tư lệnh Lộ Quân thứ 8 vào ngày 27/12.

Tối ngày 01/01/1951, quân Cộng Sản bắt đầu tấn công dữ dội vào thủ đô Hán Thành, chiếm thành phố này vào ngày 4/01/1951 trong khi quân Đồng Minh đào hầm hố chống cự cách 40 cây số (25 dặm) về phía nam và cuộc rút lui tạm ngưng. Sự can thiệp quân sự của Trung Cộng vào cuộc chiến Triều Tiên một phần do tại miền bắc của sông Yalu, có nhiều đập nước và nhà máy thủy điện cung cấp điện lực cho cả vùng Mãn Châu lẫn Bắc Triều Tiên. Một phần khác cũng do sự thiếu cương quyết trong cách giải quyết của chính quyền Hoa Kỳ khi ra lệnh cho Tướng MacArthur. Các chiến thắng của quân đội Trung Cộng khiến cho Hoa Kỳ chịu thiệt hại nặng nề và phải rút lui về dưới vĩ tuyến 38 đã gây ra một chấn động trong thế giới tây phương.

Từ cuối tháng 11/1950, Tổng Thống Truman đã đe dọa rằng ông có thể dùng các võ khí nguyên tử để tiêu diệt quân Trung Cộng, sự việc này đã khiến cho Thủ Tướng Anh là ông Clement Attlee phải bay qua Washington. Cuối cùng, Tổng Thống Truman đã dùng giải pháp chiến tranh giới hạn và cổ điển, gia tăng chi phí quốc phòng từ 13.5 tỉ mỹ kim lên 50 tỉ mỹ kim, tăng cường không lực và tăng gấp hai số quân nhân lên 3.5 triệu binh lính.

7. Trận Chiến giành các Ngọn Đồi

Tướng Ridgway sớm phục hồi được tinh thần chiến đấu của binh lính Đồng Minh, đã gây ra các tổn thất lớn cho địch quân. Từ ngày 16/01, quân Đồng Minh bắt đầu tiến lên phía bắc, tới gần và có thể bắn vào Hán Thành. Quân Đồng Minh lúc này dùng chiến thuật tiến chậm, quét sạch các lực lượng địch thay vì bỏ sót vì tiến quá nhanh.

Ngày 14/3/1951, quân Đồng Minh chiếm được Hán Thành mà không gặp chống cự, sau đó tiến thêm vào một phần đất của miền bắc Triều Tiên vào tháng 6. Từ nay, cuộc chiến đã diễn ra dọc theo trận tuyến phía bắc của vĩ tuyến 38. Tới giai đoạn này, chính sách của Tổng Thống Truman là ngăn chặn làn sóng Cộng Sản tại biên giới hiện tại, mà không phải là đánh thắng Trung Cộng. Một trong các biến chuyển quan trọng nhất xẩy ra là vào ngày 11/4/1951, Tổng Thống Truman đã cất chức Tướng MacArthur và thay thế bằng Tướng Ridgway. Sở dĩ có sự việc này là do sự tranh cãi giữa Tướng MacArthur với các nhà lãnh đạo quốc phòng tại thủ đô Washington về cách giải quyết chiến tranh. Tướng MacArthur đã muốn oanh tạc Mãn Châu là một phần đất của Trung Cộng và dùng “biện pháp mạnh”. Tổng Thống Truman cùng các cố vấn khi đó e sợ rằng các hành động như vậy có thể dẫn tới Thế Chiến Thứ Ba và không thể chấp nhận việc Tướng MacArthur không theo đúng chính sách quốc gia. Sau đó, Tướng Ridgway tới Tokyo để nhận chức tổng tư lệnh và Trung Tướng James A. Van Fleet trở nên tư lệnh Lộ Quân Thứ 8.

Các cuộc đàm phán đình chiến đã bắt đầu từ tháng 7/1951 nhưng các trận chiến vẫn còn tiếp tục trong hai năm. Cả hai phía không thực hiện được bước tiến nào quan trọng mà chỉ giành nhau các vị trí chiến lược quan trọng. Trong thời gian kéo dài này, cuộc chiến được gọi là “Trận Chiến Giành các Ngọn Đồi” (the Battle for the Hills).

8. Chiến tranh trên không và trên biển

Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến đầu tiên mà các máy bay phản lực xung trận. Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, các máy bay thả bom và chiến đấu của Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh, từ các căn cứ đặt tại Nhật Bản, Okinawa và Nam Triều Tiên, đã bay tự do trên miền Bắc Triều Tiên để yểm trợ các lực lượng bạn dưới đất, oanh tạc căn cứ và các toán quân địch. Nhưng sau đó, Liên Xô đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên các phi cơ Mig-15 và các trận không chiến đã diễn ra với các phi cơ này của Liên Xô và các máy bay F-86 của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên bởi vì các máy bay Đồng Minh không được phép bay qua sông Yalu (Áp Lục) và các phi cơ Mig-15 ít khi bay xuống phía dưới vĩ tuyến 38.

Về sau, các máy bay oanh tạc của Đồng Minh được trang bị bộ phận “shoran” (short range navigation), một kỹ thuật hàng không mới, cho phép ném bom chính xác vào ban đêm. Cũng trong giai đoạn này, các máy bay trực thăng lần đầu tiên được dùng để chuyên chở binh lính ra trận tuyến và thực hiện việc giải cứu các phi công lâm nạn.

Trong cuộc chiến này, Không Quân, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã thiệt mất hơn 2,000 máy bay, phần lớn do các súng phòng không của địch. Các phi công Đồng Minh cũng phá hủy hơn 1,000 máy bay của phe Cộng Sản, giết hại hơn 284,000 địch quân.

Trên mặt biển, lực lượng Đồng Minh gồm 80 khu trục hạm, 16 hàng không mẫu hạm, 8 tuần dương hạm và 4 tầu chiến. Hải Quân Hoa Kỳ đã giúp các toán bộ binh đổ bộ, oanh tạc các mục tiêu trên bờ. Wonsan là thành phố kỹ nghệ và lọc dầu của Bắc Triều Tiên, đã bị phong tỏa do hải quân trong hơn hai năm.

Các hy vọng về hòa binh gia tăng khi đại biểu của Liên Xô là ông Jacob Malik đề nghị tại Liên Hiệp Quốc cuộc ngưng chiến vào ngày 23/6/1951. Tới ngày 30/6, theo chỉ thị của Hoa Thịnh Đốn, Tướng Ridgway đã cho thi hành các buổi gặp gỡ giữa các nhân viên quân sự Đồng Minh và Cộng Sản để thảo luận việc ngưng chiến.

Cuộc thảo luận ngưng chiến bắt đầu vào ngày 10/7 tại Kaesong rồi được dời về Panmumjom (Bàn Môn Điếm) vào ngày 25/10. Sự ổn định gần kề vào ngày 27/11 khi cả hai bên đồng ý rằng chiến tuyến hiện tại là lằn chia đôi giữa hai miền Bắc và Nam nếu cuộc ngưng chiến đạt được trong vòng 30 ngày. Sự thỏa thuận này cũng khiến cho cuộc chiến bớt dữ dội.

Nhiều vấn đề đã được đặt ra, đặc biệt việc các tù binh tự nguyện hồi hương đã làm cản trở sự thỏa thuận kể trên. Bộ Chỉ Huy Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng tù binh thuộc cả hai phía phải được tự do chọn lựa trở về quê hương hay không, trong khi nhiều tù binh Trung Cộng đã phản đối việc bắt họ trở về sống dưới chế độ Cộng Sản. Một số tù binh Bắc Triều Tiên cũng từ chối trở về miền Bắc cũ của họ trong khi các người Cộng Sản không chấp nhận rằng các binh lính của họ đã thiếu trung thành.

Vào cuối tháng 4/1952, cuộc thảo luận bị bế tắc vì vấn đề tự nguyện hồi hương. Cuộc chiến lại tiếp diễn. Qua tháng 5/1952, Tướng Mark W. Clark thay thế Tướng Ridgway làm Tổng Tư Lệnh quân đội Đồng Minh rồi vào tháng 1 năm 1953, ông Dwight D. Eisenhower trở nên Tổng Thống Hoa Kỳ. Vào ngày 5/3/1953, lãnh tụ của Liên Xô là Joseph Stalin qua đời. Sau cái tang này, các nhà lãnh tụ Xô Viết bắt đầu nói tới sự cần thiết phải ổn định trong hòa bình. Vào ngày 28/3, phe Cộng Sản đồng ý trao đổi các tù binh bị bệnh và bị thương và cho thấy họ muốn nối tiếp lại cuộc ngưng chiến. Các thương thảo tiếp tục vào hai tháng 4 và 5. Phe Đồng Minh nhận lại 684 tù binh bị thương và bị ốm đau, trong đó có 149 người Mỹ, và đã hoàn trả 6,670 tù binh Cộng Sản.

Vào ngày 26/4/1953, phe Cộng Sản chấp nhận việc tự nguyện hồi hương qua sự kiểm soát của Ủy Ban Hồi Hương của các quốc gia trung lập, gồm có các đại diện của Tiệp Khắc, Ấn Độ, Ba Lan, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Cuối cùng, Chiến Tranh Triều Tiên chấm dứt vào ngày 27/ 7/1953 khi Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên ký tên vào bản đình chiến trong khi đó Bắc và Nam Triều Tiên không hề ký một bản văn hòa bình vĩnh viễn nào và quân lực Hoa Kỳ vẫn còn đóng tại Nam Triều Tiên để ngăn cản các thù nghịch giữa hai phía. Một vùng trái độn, được gọi là vùng phi quân sự, đã chia cách hai miền. Vùng này rộng 4 cây số (2.5 dặm) dọc theo chiến tuyến cuối cùng. Nam Triều Tiên được lợi 3,880 cây số vuông (1,500 dặm vuông). Một ủy ban đình chiến quân sự gồm các đại diện thuộc cả hai phía, đã theo dõi việc đình chiến.

Sau khi đình chiến, cả hai phe đều tố cáo phe bên kia là đã hành hạ các tù binh và là các tội phạm chiến tranh. Bắc Triều Tiên và Trung Cộng còn bị tố cáo là đã “tẩy não” các tù binh. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết kết án tất cả các hành động vô nhân đạo.

Chiến Tranh Triều Tiên là một trong các cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử. Vào khoảng một triệu người dân thường của Nam Triều Tiên bị giết hại, nhiều triệu người trở thành không nhà cửa. Hơn 560,000 quân lính LHQ và Nam Triều Tiên bị giết trong khi đó vào khoảng 1,600,000 binh lính Cộng Sản bị giết, bị thương hay bị mất tích.

Hoa Kỳ đã chi phí 67 tỉ mỹ kim vào cuộc chiến này. Hầu như tất cả các miền của Nam Triều Tiên đều bị thiệt hại nặng nề. Vào khoảng 1 triệu người dân thường bị giết tại Nam Triều Tiên và thiệt hại về tài sản vào khoảng 1 tỉ mỹ kim. Các thống kê không ghi số thiệt hại về dân sự của Bắc Triều Tiên.

Vào tháng 9/1953, phe Đồng Minh và Cộng Sản đã hoàn thành việc trao đổi 88,559 tù binh còn các tù binh không chịu hồi hương đều do Ủy Ban Hồi Hương của các nước trung lập cai quản và cuối cùng, đã có số tù binh từ chối về nước như sau: 14,227 người Trung Hoa, 7,582 người Bắc Triều Tiên, 325 người Nam Triều Tiên, 21 người Mỹ và 1 người Anh.

Vào năm 1954, các viên chức Liên Xô và các đại diện các nước tham chiếm tại Triều Tiên đã hội họp tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng các nhà thương thuyết đã thất bại khi tìm ra một kế hoạch hòa bình vĩnh viễn cho xứ Triều Tiên.

Sau Chiến Tranh Triều Tiên, thế giới bị chia thành ba khối: tư bản, cộng sản và thế giới thứ ba (the Third World), gồm các nước nhỏ, trung lập, dễ dàng bị lôi cuốn vào một trong hai khối trên.

Chiến Tranh Triều Tiên đã không giải quyết được vấn đề thống nhất đất nước, là giấc mơ của dân tộc Triều Tiên. Sau chiến tranh, miền Nam Triều Tiên đã phục hồi và trở nên thịnh vượng, được coi là một trong bốn con Hổ của châu Á, trong khi miền Bắc vẫn sinh sống trong cảnh nghèo đói, lạc hậu, bị đàn áp khổ cực vì chính sách tàn bạo của chế độ Cộng Sản do nhà độc tài Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) rồi sau này do người con là Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il).